BÀI TUYÊN TRUYỀN
TUẦN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI NĂM 2024
Chủ đề: Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời
Hòa cùng không khí tưng bừng của cả nước trong ngày Hội: “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời.”, hôm nay, ngày 30 tháng 9 năm 2024, trường THCS Nam Trung tưng bừng tổ chức phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”.
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 năm nay với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 07/10/2024 trong đó huy động tối đa các nguồn lực tổ chức những hoạt động phát triển văn hóa đọc.
Đến dự có thầy, cô đại diện cho BGH nhà trường, cùng toàn thể các thầy, cô giáo, các em học sinh nhà trường có mặt đông đủ. Xin nhiệt liệt hoan nghênh!
Dân tộc Việt Nam ta vốn thông minh và hiếu học. Từ xa xưa, các thế hệ người Việt Nam luôn coi trọng việc học, coi học tập là nền tảng cho mọi thắng lợi. Truyền thống đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng và xuyên suốt. Người từng nói: “Sự học là vô cùng”, “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”; “ Học hỏi là việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Và Bác Hồ của chúng ta là tấm gương sáng ngời về sự học như vậy. Người đã từng tự học, vừa lao động để kiếm sống, biết và sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ mà không qua một con đường đào tạo chính quy nào. Chính từ sự học như thế mà Bác đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đến bến bờ vinh quang.
Bộ GD-ĐT cho rằng, đọc sách là một hình thức học tập hiệu quả giúp mở rộng kiến thức, phát triển tư duy và kỹ năng. Việc tạo môi trường đọc thuận lợi, thân thiện sẽ phát triển văn hóa đọc, từ đó khuyến khích người dân chủ động học tập thường xuyên, liên tục và suốt đời; hướng tới xây dựng một xã hội học tập.
Nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương hàng năm sẽ tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Năm 2024, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được tổ chức thống nhất trong cả nước từ ngày 01/10 đến hết ngày 07/10 với chủ đề: “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”
Để học tập suốt đời, mỗi người trong chúng ta phải có quan niệm “mở” về “học tập”, trên cơ sở đó, nhận thức sâu sắc và đúng đắn về một “xã hội học tập”. “Xã hội học tập” là nơi mà mọi người đều có nhu cầu và xây dựng cho mình một kế hoạch học tập trong suốt cuộc đời của mình, là nơi có thể đáp ứng một cách tốt nhất, phù hợp nhất nhu cầu học tập của người dân ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi trình độ, nhằm nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Như vậy, khái niệm “học tập” phải được hiểu theo hướng “mở”, không chỉ diễn ra trong một nhà trường mà còn có thể được tổ chức ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và với bất kỳ đối tượng nào.
Toàn trường chúng ta tích cực hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” của năm 2024 với chủ đề: “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”.
Văn hóa đọc là một hoạt động văn hóa của con người, bởi lẽ đọc sách cách tiếp cận tri thức, thông tin, tinh hoa văn hóa nhân loại thông qua sách báo, tài liệu. Hoạt động này bao gồm ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân, cụ thể là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Hay nói một cách khác đơn giản hơn là thái độ của mỗi cá nhân với đối với việc tiếp cận tri thức, sách vở.
Văn hóa đọc không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc phổ cập những kiến thức, tầm hiểu biết của con người trong cuộc sống, mà quan trọng hơn chúng giúp hoàn thiện kỹ năng, nhân cách của con người. Một số những vai trò của văn hóa đọc mang lại cho con người như:
Cung cấp tri thức: Sách báo, tài liệu đều là những nguồn tri thức kết tinh của nhân loại. Trong mỗi cuốn sách đều là những bài học truyền đạt, chia sẻ kiến thức, đưa ra một cái nhìn khía cạnh trong đời sống. Việc đọc sách hàng ngày sẽ giúp bạn trau dồi cho bản thân một lượng tri thức lớn.
Cải thiện kỹ năng giao tiếp: Thông qua thói quen đọc sách mỗi ngày người đọc có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp một cách hiệu quả bằng cách học cách lắng nghe, trau dồi, làm phong phú hơn vốn ngôn ngữ,...
Phát triển trí tuệ cảm xúc: Những triết lý, quan điểm đúng đắn được chiêm nghiệm từ bao đời nay được đúc kết và chắt lọc một cách cụ thể thông qua những trang sách. Những trang sách cũng giống như người bạn tâm giao, đưa ra cho bạn những lời khuyên hữu ích giúp bạn có thể suy nghĩ tích cực hơn, cảm xúc của bạn cũng từ đó mà được cải thiện tốt hơn.
Rèn luyện tư duy: Với những thể loại sách khác nhau lại đặt người đọc vào hoàn cảnh cụ thể, giúp đưa trí tưởng tượng bay xa và cách đối mặt với những vấn đề thường gặp trong cuộc sống. Đọc sách thường xuyên là cách giúp bạn rèn luyện tư duy hiệu quả thông qua những thông điệp đầy ý nghĩa đó.
Trong thời đại hiện nay, sự phát triển của CNTT và truyền thông đã làm thay đổi phương thức truyền tải, tiếp cận thông tin, vì thế mà văn hóa đọc đã phát triển ở trình độ cao hơn. Đối tượng đọc không chỉ giới hạn ở sách, các tài liệu giấy truyền thống mà còn bao gồm nhiều dạng tài liệu số, hiện đại như sách, báo điện tử. Đây là cơ hội mới để phát triển văn hóa đọc trong thời hiện đại đồng thời thuận tiện quản lý, lưu trữ, truyền tải, tìm kiếm thông tin theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Như vậy, văn hóa đọc cũng chịu tác động của khoa học công nghệ và mang dấu ấn của nền văn minh thời đại. Việc hình thành những kỹ năng mới là yêu cầu cần thiết để có thể duy trì và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển phù hợp với tiến trình phát triển của thời đại mới.
Muốn phát triển văn hóa đọc cần việc đầu tiên cần làm đó là phải hướng việc đọc sách trở thành một thói quen không thể thiếu, một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng. Điều này cũng đòi hỏi chúng ta phải tạo dựng được môi trường đọc sách thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách ngay từ trong gia đình, trường học, đến cơ quan, tổ chức và cộng đồng.
Ở mỗi gia đình, bố mẹ phải có ý thức về việc đọc sách và trao truyền ý thức đó cho con trẻ, cùng nhau chia sẻ sách giữa bố mẹ và con cái, khuyến khích, dành thời gian để cho con đọc sách.
Nhà trường cần có những hoạt động giáo dục học sinh ngay từ bậc tiểu học về kỹ năng, thói quen đọc sách, bao gồm phương pháp đọc, kỹ năng tiếp cận sách, đọc sách có mục đích (học tập, nghiên cứu, giải trí), tiêu chí lựa chọn những cuốn sách đáng đọc; đưa ra một danh mục sách cần đọc trong một năm học,...
Xây phong trào đọc sách sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, tổ chức các cuộc thi đọc sách; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng…
Mỗi học sinh chúng ta sẽ phải làm gì với chủ đề của tuần lễ?
Bạn nào có thể cho cô biết một vài câu châm ngôn hay ca dao tục ngữ nói về việc học tập suốt đời?
+ Xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của mọi người dân.
+ “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời ” (Hồ Chí Minh)
+ Biết nhiều, nghe rộng mới làm nên sự nghiệp (Lê Quý Đôn)
+ Học, học nữa, học mãi (Lê nin)
+ Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để làm người (UNESCO)
Tinh thần này sẽ mãi là hành trang để mỗi thầy trò chúng ta chinh phục và khám phá đỉnh cao tri thức của nhân loại với thông điệp: “Học tập suốt đời – Chìa khóa của mọi thành công.”
Buổi lễ phát động đến đây là kết thúc cô kính chúc các em học tốt hoàn thành kế hoạch đã đề ra.